Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Filled Under:

Bị chê “không hiểu biết về thủy động học”, chủ siêu máy bơm chống ngập ở Sài Gòn phản bác

Tháng 7/2017, hệ thống bơm được lắp đặt để thử nghiệm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) - "rốn ngập" của thành phố. Đến nay, siêu máy bơm đã khống chế được 21/23 trận mưa lớn nhưng vẫn bị chuyên gia chê "không hiểu biết gì về thuỷ động học".

"Công nghệ của chuyên gia chỉ 1.0, còn siêu máy bơm là 4.0"

Cách đây gần 2 năm, sau khi có thông tin đề xuất sử dụng máy bơm chống ngập cho "rốn ngập" đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP. HCM) nhiều ý kiến trái chiều cho rằng không thật sự là phương án hay và hiệu quả.
Mới đây nhất, trong một bài báo, có chuyên gia với hàm vị tiến sĩ đã phản bác phương án sử dụng máy bơm là lãng phí, phản khoa học,… và trên thế giới chưa có nước nào chống ngập bằng máy bơm.
Chuyên gia này còn cho rằng "siêu máy bơm chẳng có gì là siêu cả" và việc rác thải đổ về ngập đường cống là kết quả đương nhiên của hiện tượng "quả đấm thủy lực" chứ không phải là do sự phá hoại nào cả. Trong bài báo, vị chuyên gia này còn cho rằng không cần điều tra "kẻ phá hoại" bỏ rác thải vào cống và chê chủ siêu máy bơm "không hiểu biết về thuỷ động học".
Bị chê “không hiểu biết về thủy động học”, chủ siêu máy bơm chống ngập ở Sài Gòn phản bác - Ảnh 1.
Về vấn đề này, ông chủ của siêu máy bơm thông minh đã có những phản biện với các chuyên gia chống ngập dựa trên nhưng phân tích chuyên sâu, đánh giá về nguyên nhân ngập ở Sài Gòn sau khoảng 7 năm nghiên cứu.
Ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (chủ đầu tư "siêu máy bơm") cho biết, thời gian gần đây có nhiều ý kiến phân tích không đúng về hệ thống bơm cũng như tình trạng ngập ở TP.HCM nên ông lên tiếng để người dân hiểu rõ hơn về nguyên nhân ngập, tình trạng ngập và phương pháp chống ngập cho thành phố đông dân nhất cả nước.
"Có chuyên gia cho rằng dùng bơm chống ngập cho thành phố là phản khoa học, trên thế giới không có nơi nào dùng bơm để chống ngập. Tôi xin giải thích, các vị cứ vào mạng kiểm tra có rất nhiều các nước văn minh đã và đang dùng bơm khủng để chống ngập cho thành phố như Jakarta, Malaysia, Singapore, Hà Lan,…", ông Cường nói.
Bị chê “không hiểu biết về thủy động học”, chủ siêu máy bơm chống ngập ở Sài Gòn phản bác - Ảnh 2.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng phản bác lại vị chuyên gia cho rằng "cha đẻ" của siêu máy bơm "ngu dốt không hiểu biết về môn thủy động lực học". Chuyên gia cho rằng các bơm thông thường đường kính ống hút phải kín, nếu hở thì sinh ra "quả đấm thủy lực" nên dùng nhiều bơm nhỏ có công suất 500m3/h, để khi nước ít thì dùng một bơm, khi nước về nhiều thì dùng nhiều bơm.
Phản biện chuyên gia, ông Cường phân tích: "Thành phố đã mua nhiều loại máy bơm và có nhiều loại công suất khác nhau từ 1000m3/h đến 2700m3/h hiệu quả thì không như ý. Chúng tôi đã nghiên cứu loại bơm đặc biệt có thể hoạt động tốt ở điều kiện đường ống hút bị hở, trong cống có độ nhớt đậm đặc và có nhiều tạp chất. Máy bơm có giải công suất mềm từ 27000m3/h đến 96000m3/h, dưới 27000m3 vẫn hoạt động được. Khi vận hành trong vòng 15 – 20 phút là giải quyết hết ngập, sau đó bơm duy trì vì nước các nơi vẫn đổ dồn về nơi trũng".
Bị chê “không hiểu biết về thủy động học”, chủ siêu máy bơm chống ngập ở Sài Gòn phản bác - Ảnh 3.
Theo chủ siêu máy bơm, nếu lắp bơm nhỏ khoảng 500m3/h với vũ lượng mưa 100mm để bơm ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh thì phải bơm mất 200h mới hết nước, còn nếu dùng 3 bơm thì hết 66h và không có chỗ để đặt bơm vì toàn bộ lưu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ có một tuyến đường ống cống duy nhất đổ ra sông Sài Gòn.
"Công thức của các chuyên gia đưa ra ai cũng được học và được coi như công nghệ 1.0. Còn loại bơm của chúng tôi đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đang sử dụng có hiệu quả là công nghệ 4.0", ông Cường tự tin khẳng định.

Đề nghị chuyên gia đưa ra cao kiến chống ngập

Bên cạnh đó, chủ siêu máy bơm cũng phản bác ý kiến cho rằng máy bơm hút mạnh sẽ gây ra vỡ ống cống và tạo ra các hố tử thần,… thiết kế công trình không đúng tiêu chuẩn.
"Chúng tôi không thiết kế công trình chỉ tận dụng hệ thống cống có sẵn của thành phố để đặt hệ thống bơm. Máy bơm đã hoạt động được 21 lần thành công, chưa bị chỗ nào vỡ cống hoặc phát sinh ra hố tử thần. Chúng ta phải nhìn vào thực tế, hố tử thần thì chưa thấy.. chỉ thấy người dân bị tai nạn do ngập không nhìn thấy đường, một số trường hợp đã bị tử vong do chui xuống ống cống", ông Cường giải thích.
Bị chê “không hiểu biết về thủy động học”, chủ siêu máy bơm chống ngập ở Sài Gòn phản bác - Ảnh 4.
Ngoài việc phản biện, ông Cường cũng đề nghị chuyên gia đưa ra "cao kiến" về chống ngập dựa trên những "bài toán" mà ông đưa ra.
Cụ thể, ông Cường cho rằng, hiện nay theo tài liệu của ngân hàng thế giới cốt nền của thành phố mỗi năm lún từ 1cm - 3cm/năm, trong khi nước biển dâng cao từ 1cm -3cm/năm do nhiệt độ trái đất nóng lên, trên 60% diện tích đất của TP. HCM bị ảnh hưởng do triều cường. Vì thế thành phố có gần 100 điểm ngập trải dài đều các quận.
Bị chê “không hiểu biết về thủy động học”, chủ siêu máy bơm chống ngập ở Sài Gòn phản bác - Ảnh 5.
Theo ông Cường, gần 100 điểm ngập này đều bị ngập do triều cường và ngập do mưa. Ông Cường nhận thấy hiện nay 1 số chuyên gia đang cố tình tư vấn cho thành phố nên nâng đường và thay cống lớn tại các điểm ngập trũng… như thế sẽ không hiệu quả và sẽ gây lãng phí tiền của nhân dân.
"Giải pháp nâng đường từ cốt nền 1,5m lên cốt nền 2m. Hệ quả sau nâng đường là nhà của dân sẽ thấp hơn mặt đường từ 50cm đến 80 cm, như vậy các nhà dân sẽ thành ao tạo ra sự bức xúc cho người dân do đảo lộn cuộc sống sản xuất kinh doanh của họ", ông Cường ví dụ.
"Vậy các chuyên gia có cao kiến nào để có giải pháp tốt hơn giúp cho thành phố chống ngập tại gần 100 điểm ngập của thành phố? Còn nếu không có giải pháp nào tốt hơn thì mong các chuyên gia ủng hộ chúng tôi đặt bơm để chống ngập cho thành phố như đất nước Hà Lan đang thực hiện", ông Cường chia sẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét